Các chế độ đề kháng ung thư

Tầm quan trọng của thực đơn hàng ngày trong việc ngăn chận căn bệnh đáng sợ .
Một lời khuyên cho việc bảo vệ sự sống: Hãy ăn tất cả các loại rau quả. Từ lâu chúng ta đã biết rằng một chế độ ăn gồm nhiều trái cây và rau tươi thường là tốt cho chúng ta vì nó giúp chống lại bệnh ung thư. Thật vậy, các khoa học gia Anh tin rằng chế độ ăn là một trong những nhân tố quan trọng làm giảm thiểu nguy cơ bị các loại bướu ác tính.

Các nhà nghiên cứu của Trung Tâm Dinh Dưỡng Lâm Sàng Dunn ở Cambridge nói rằng 80% các bệnh ung thư vú, tuyến tiền liệt và ruột có thể được ngăn ngừa bằng cách thay đổi các thói quen ăn uống. Chế độ ăn cũng ảnh hưởng đến khả năng phát triển các loại bướu khác- chẳng hạn ở lá lách hay cổ họng. Trong Tạp Chí Y-Học Anh quốc, các khoa học gia viết rằng một số thực phẩm cho thấy chắc chắn có khả năng giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Họ đề nghị mỗi ngày ăn ít nhất 5 khẩu phần trái cây và rau cải cũng như khoảng 18 grams chất xơ. ( Các hướng dẫn dinh dưỡng trong Tạp Chí Y-Học Mỹ đề xuất 8 khẩu phần và 30 grams.)

Các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng các bướu ở phổi, ruột, vú và tuyến tiền liệt là nguyên nhân dẫn đến phân nửa số tử vong do ung thư gây ra ở Anh quốc. Mặc dù các chứng ung thư này cực kỳ hiếm ở nhiều nước nghèo, tỷ lệ mắc phải gia tăng trong vòng vài thế hệ sau khi các gia đình di cư và theo các lối sống khác. Ðiều đó có nghĩa các chứng ung thư chủ yếu là do các nhân tố môi trường gây ra và đa phần là có thể ngăn ngừa.

Nhưng, cũng như trong nhiều lãnh vực khoa học, các kết luận không thể nào tuyệt đối. Các y sĩ bắt đầu khuyên nên ăn nhiều chất xơ khi thấy bệnh ung thư ruột rất hiếm ở châu Phi nơi chế độ ăn chủ yếu gồm cốc loại và rau quả. Hiện nay các cuộc nghiên cứu được tường trình trong Tạp Chí Y-Học Tân Anh quốc không thừa nhận suy nghĩ cổ truyền về chất xơ.

Một cuộc nghiên cứu tiến hành trong 16 năm theo dõi sức khỏe của hơn 88.000 nữ y tá không tìm thấy bằng chứng là ăn nhiều chất xơ giúp giảm thiểu khả năng bị ung thư ruột. Các nhà nghiên cứu nói rằng nguy cơ mắc bệnh cũng tương tự nơi 787 phụ nữ bị mắc chứng ung thư kết tràng và trực tràng. Phụ nữ ăn nhiều chất xơ cũng có khả năng bị ung thư giống như những người ăn ít chất xơ, theo Charles Fuchs, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Y Ðại học Harvard. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu khác lại tranh luận rằng các kết quả nghiên cứu không đại diện cho số đông, Các kết quả có những hạn chế vì cuộc nghiên cứu chỉ giới hạn ở phụ nữ trong khi các khác biệt về giới tính ảnh hưởng đến cách phát triển của bệnh ung thư ruột.

Trong bất kỳ trường hợp nào cũng đều có nhiều ích lợi khác từ các chế độ ăn giàu trái cây và rau tươi, theo Michael Thun thuộc Hiệp Hội Ung Thư Hoa Kỳ. Trong số các lợi ích đó là sự bảo vệ chống lại bệnh tim, bệnh tiểu đường người lớn và các rối loạn đường ruột. Những người ăn nhiều chất xơ có khuynh hướng ít mắc bệnh ung thư miệng, cổ họng, dạ dày và phổi, Thun nói thêm.

Theo Sheila Bingham của Trung tâm Dinh Dưỡng Dunn thì đa số các nghiên cứu cho thấy ăn nhiều chất xơ giúp ngăn ngừa chứng ung thư kết tràng và trực tràng. Người ta tin rằng việc ngăn ngừa đến từ các acid béo chuỗi ngắn được sản sinh bởi sự lên men của chất xơ trong ruột. Các acid béo giúp ngừa bệnh ung thư bằng cách ngăn chận sự phát triển tế bào và kích thích sự hủy diệt các tế bào ung thư.

(Hải Ðể dịch - Theo Asiaweek 5/2/1999)
* chất xơ có trong rau củ, trái cây, đậu hạt.

Liệu chúng ta còn tiếp tục ăn thịt

Có lẽ rằng không, nếu chúng ta ý thức được những gì mà việc sản xuất hàng loạt thịt động vật đang ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta - và đến hành tinh của chúng ta.

Khi Julius Ceasar ca khúc khải hoàn tiến vào La Mã năm 45 trước Thiên Chúa, ông ta ăn mừng chiến thắng bằng một yến tiệc linh đình với hàng ngàn thực khách ngốn ngấu cơ man những gia cầm, hải sản và thú săn. Các lễ tiệc tương tự chủ yếu tiêu thụ những khối lượng khổng lồ thịt động vật đã và đang đánh dấu các chiến thắng của nhân loại - trong chiến tranh, thể thao, chính trị và thương mại - kể từ lúc loài người chúng ta biết cách chế ngự lửa. Ngày nay, khắp cùng thế giới của những nước đang phát triển, một trong những việc đầu tiên người ta làm ngay sau khi thoát khỏi cảnh nghèo khó là chuyển ngay chế độ ăn kiểu nông dân gồm chủ yếu là cốc loại và đậu sang chế độ ăn dồi dào thịt heo và thịt bò. Kể từ năm 1950, mức tiêu thụ thịt của mỗi người trên toàn thế giới đã tăng gấp đôi hàng năm.

Dường như thịt không chỉ là thức ăn mà còn là phần thưởng. Song, trong thế kỷ 21, điều đó sẽ thay đổi. Cũng quan trọng như việc ý thức toàn bộ các phí tổn xã hội và kinh tế của thuốc lá, chúng ta sẽ thấy là mình không thể bao cấp hay bỏ qua các tổn phí của việc sản xuất hàng loạt gia súc, gia cầm, heo, cừu và cá để nuôi số dân cư đang gia tăng của chúng ta. Các phí tổn này bao gồm việc sử dụng một cách thậm lãng phí nguồn nước sạch và đất đai, sự ô nhiễm do chất thải súc vật gây ra, làm gia tăng mức độ mắc bệnh tim và các chứng bệnh suy thoái khác cũng như gia tăng việc phá hủy các cánh rừng noi phần lớn sự sống của hành tinh chúng ta tùy thuộc vào.

Trước tiên, hãy xem xét ảnh hưởng của việc cung cấp nước sach. Ðể sản xuất 1kg thịt bò ăn cần có 7kg thóc lúa và 7.000kg nước để nuôi trồng lúa. Bỏ qua một miếng hamburger là bạn đã tiết kiệm được một khối lượng nước dùng để tắm 40 lần bằng vòi sen chảy chậm. Vậy mà ở Mỹ, 70% toàn bộ khối lượng lúa mì, bắp ngô và và các cốc loại khác được sản xuất để nuôi hàng đàn gia súc. Khắp thế giới, khi mà nước được dùng vào việc nuôi heo gà thay vì trồng trọt mùa màng để tiêu thụ trực tiếp, hàng triệu giếng nước đang dần khô kiệt. Aìn Ðộ, Trung Quốc, Bắc Phi và Hoa Kỳ đang lâm vào tình trạng thiếu nước sạch, nước bơm từ các tầng ngầm nước vượt xa lượng nước mà các cơn mưa có thể bổ sung. Khi dân số ở những vùng thiếu nước tiếp tục gia tăng, chính phủ sẽ buộc phải chận đứng tình trạng thiếu thốn này bằng cách chuyển nước sang việc trồng trọt thức ăn chứ không để nuôi gia súc nữa.Các chính sách mới sẽ nâng giá thịt lên các mức mà chỉ có nhà giàu mới có thể mua nổi.

Viễn cảnh đó chắc chắn sẽ gây nên các chống đối cho rằng việc ăn trực tiếp các cốc loại không thể cung cấp cùng lượng chất đạm mà thịt cung cấp. Quả thật. Song các nhà dinh dưỡng học sẽ chứng nhận rằng đa số dân cư ở các nước giàu có không cần nhiều chất đạm như mức mà chúng ta hiện đang tiêu thụ từ thịt, và có nhiều nguồn rau cải, cốc loại - gồm cả lượng cốc loại mà chúng ta đang hoang phí vào việc nuôi gia súc - có thể cung cấp lượng chất đạm chúng ta cần.

Không may, điều này không chỉ là một vấn đề về khả năng sản xuất. Việc sản xuất thịt động vật hàng loạt còn trở thành một nguồn gây ô nhiễm môi sinh nghiêm trọng. Có lẽ các miếng bánh bò cái lúc trước chỉ là chuyện đùa nơi thôn dã, nhưng trong những năm gần đây chất thải của thú nuôi có liên can đến các vụ cá chết hàng loạt và việc bộc phát các căn bệnh như pfiesteria là nguyên nhân gây ra chứng mất trí nhớ, rối loạn và viêm da cấp tính ở những người tiếp xúc với nước bị ô nhiễm. ở Hoa Kỳ, chất thải của gia súc nhiều hơn chất thải của người 130 lần. Chẳng hạn như chỉ có một trại chăn nuôi heo ở Utah mà lại có nhiều cống rãnh hơn thành phố Los Angeles. Những trang trại khổng lồ này đang sinh sôi nẩy nở và ở những vùng đông dân cư, các chất thải của thú nuôi đang gây ô nhiễm nguồn nước uống. ở các vùng nguyên sơ hơn, từ Indonesia đến Amazon, các cánh rừng mưa nhiệt đới đang bị thiêu cháy hoàn toàn để nhường chỗ cho hàng đàn và hàng đàn gia súc. Nông nghiệp là nguyên nhân lớn nhất thế giới của việc phá rừng, và nhu cầu ăn thịt ngày càng gia tăng là động lực chủ yếu của việc phát triển nông nghiệp.

Gánh nặng hiển nhiên không thể chịu đựng được của hành tinh cũng hiển nhiên là gánh nặng không thể chịu đựng được của nòi giống cao cấp nhất của hành tinh. ở Trung Quốc, một cuộc chuyển hướng chế độ dinh dưỡng qua các bữa ăn đầy thịt liên quan mật thiết đến sự gia tăng các chứng béo phì, bệnh tim mạch, ung thư vú và ung thư kết tràng và trực tràng. Các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ và Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới công bố các kết quả tương tự ở các khu vực khác của thế giới. Và kế đến là các mối quan ngại gia tăng về điều gì sẽ xảy ra cho những người ăn thịt các con vật đã được bơm đầy các sinh vật bổ sung về mặt di truyền, các kích thích tố và các chất kháng sinh.

Các mối quan ngại này có thể nghe như phản tự nhiên. Loài người chúng ta tiến hoá từ săn bắt tới hái lượm và đã ăn thịt hàng trăm thiên niên kỷ trươc các thời kỳ hiện đại. Ai đó có thể nói, ăn thịt là một điều tự nhiên đối với chúng ta. Nhưng các đàn gia súc lai tạo, đầy ắp các chất hóa học nuôi ở các xí nghiệp khác xa các con thú hoang dã mà tổ tiên ta săn bắt. Khi chúng ta khôn ngoan chuyển từ việc săn bắt và hái lượm hoang sơ sang việc chăn nuôi và trồng trọt theo hệ thống, chúng ta đã thay đổi các thế cân bằng tự nhiên một cách không thể cứu vãn được. Sự thay đổi đó giúp chúng ta sản xuất được các khối lượng thực phẩm thặng dư, song các lượng thặng dư đó cũng đồng thời cho phép chúng ta tái sản xuất một cách dồi dào. Khi đó, vấn đề chỉ là thời gian trước khi con người không còn ngự trị các vùng hoang dã mênh mông cần thiết để duy trì một nòi giống ăn thịt thượng đẳng.

Khi bao phủ hành tinh chúng ta ngày càng nhiều hơn các thành phố lớn, trang trại và chất thải, chúng ta đã và đang gây nguy hại cho các giống loài ăn thịt thượng đẳng khác cũng cần không gian như chúng ta. Cọp và báo đang dần bị tuyệt chủng và có thể không còn tồn tại trong thế kỷ 21. ít nhất chúng ta có được tính linh hoạt của một dạ dày ăn tạp và một đầu óc sáng tạo để thích nghi. Chúng ta có thể thực hiện điều đó bằng cách di chuyển xuống phía dưới dây chuyền thực phẩm: ăn những thức ăn tiêu thụ ít nước và đất đai và rất ít gây ô nhiễm hơn heo bò. Sau cùng, chúng ta có thể quên đi việc mình đã từng ăn thịt động vật, và chúng ta có thể sẽ khám phá ra là một chế độ ăn chủ yếu gồm hoa quả cốc loại thực sự ngon lành và bổ dưỡng như hàng triệu người đã tìm thấy.

ở đây không tiên liệu sự chấm dứt của mọi chế độ ăn thịt. Hàng thập kỷ nữa kể từ hôm nay, gia súc vẫn tiếp tục được chăn nuôi, có lẽ ở các bãi cỏ thiên nhiên , dành cho những người có khuynh hướng ăn thịt và có đủ tiền để xây một nhà cung cấp thịt và cho một số người theo ngoại lệ ăn thịt trong những yến tiệc hay những ngày đặc biệt như Lễ Tạ Ơn - nhắc chúng ta về các nghi lễ liên quan đến quá khứ tiến hóa và văn hóa của mình. Nhưng kỷ nguyên của việc sản xuất thịt động vật hàng loạt và các phí tổn quá đáng của nó đối với nhân loại và sức khỏe môi sinh nên chấm dứt trước khi bắt đầu thế kỷ 21.

Hải Ðể
(theo Ed Ayres, chuyên mục Health & Environment, tạp chí TIME 8 tháng 11, 1999)